Đẹp, ra tiền

3 minute read

Bất bình đẳng giới trở thành vấn đề nóng bỏng những ngày gần đây. Nó được châm ngòi bằng việc các nhà đầu tư “cá mập” thẳng thừng tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia về một tiêu chí quan trọng cho quyết định bạc tỉ của mình: Xinh. Họ chẳng hề giấu diếm việc mình đang không đầu tư vào sản phẩm, dự án mà thực ra đầu tư vào chính đối tác. Đẹp, ra tiền.

Ở một khía cạnh khác, câu chuyện này cho thấy giá trị của “ngoại hình” đối với mức độ thành công của cá nhân. Dư luận được phen choáng váng vì tiêu chí tưởng chừng chỉ nằm trong các cuộc thi nhan sắc chen chân cả vào những chỗ ít ngờ hơn mà theo nhiều người lẽ ra chỉ được đòi hỏi ý tưởng, kĩ năng, bản lĩnh kinh doanh, và trí tuệ.

image-center

Thực ra giá trị tiền tệ của vẻ đẹp hình thể từ lâu đã thu hút các nhà nghiên cứu. Nếu còn trống, bạn có thể ghi thêm vào cuốn từ điển của mình từ Pulchronomics – Kinh tế học sắc đẹp. Chuyên gia kinh tế Daniel Hamermesh của đại học Texas ước tính cho cả cuộc đời, một người lao động Mĩ có ngoại hình ưa nhìn kiếm được nhiều hơn những người bình thường 230,000 đô-la (khoảng 5.3 tỉ đồng). Đáng ngạc nhiên là ông quan sát thấy phần thưởng cho “sắc đẹp” của thị trường lao động cao hơn ở nam giới so với phụ nữ.

Bạn cho rằng “đẹp” là khái niệm quá trừu tượng? Nghiên cứu năm 2009 ở Mĩ cho thấy người lao động thua thiệt về thu nhập nếu BMI (Chỉ số khối lượng cơ thể) vượt quá 23 với nữ hoặc 27 đối với nam. Một nghiên cứu khác của Đại học Florida cho thấy mỗi inches (2.54 cm) chiều cao làm tăng thu nhập của người lao động thêm 790 đô-la một năm (khoảng 23 triệu đồng).

Phần thưởng cho vẻ đẹp hình thể không chỉ nằm ở nhóm lao động trung bình xã hội. Nghiên cứu năm 2013 từ đại học Wisconsin-Milwaukee cho thấy các CEO với khuôn mặt đẹp giúp cổ phiếu tăng giá ngay trong ngày làm việc đầu tiên và sau các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A). Hiệu ứng tăng giá do sắc đẹp này chỉ thấy sau khi CEO xuất hiện trên truyền hình nhưng không thấy sau khi CEO được trích dẫn trên mặt báo. [Mặt] đẹp, ra tiền.

Một nghiên cứu mới hơn vào đầu năm nay thậm chí còn tiết lộ nhan sắc có chỗ đứng cả trong “tháp ngà” của giới khoa bảng. Các ứng viên có ngoại hình đẹp có xu hướng được nhận vào các chương trình nghiên cứu Tiến sĩ của các trường thứ hạng cao hơn, và có sự nghiệp nghiên cứu tốt hơn (15 năm sau khi ra trường) . Vẻ đẹp hình thể được cho là chỉ báo tốt cho thành công trong khoa học: nhà nghiên cứu đẹp viết báo khoa học được trích dẫn nhiều hơn.

Có nhiều con đường khác nhau để kết nối sắc đẹp và thành công ngay cả trong những môi trường đòi hỏi lao động trí tuệ. Những người ưa nhìn dễ gây thiện cảm với sếp, đồng nghiệp và khách hàng. Họ cũng thường xuyên đón nhận phản hồi tích cực và dễ dàng kết nối với mọi người, vì vậy họ tự tin và có sức lôi cuốn hơn. Lợi thế về hình thể giúp ứng viên thuận lợi hơn khi xin việc và đàm phán được lương cao hơn.

Dù đồng tình hay không, có lẽ chúng ta cần phải thừa nhận bất bình đẳng ngoại hình là một thực tế trong nền kinh tế thị trường. Phân biệt đối xử dựa vào ngoại hình là một định kiến xã hội phức tạp, khó nhận biết và giải quyết.

Nhan sắc có thực sự liên quan đến khả năng khởi nghiệp kinh doanh? Túi tiền của các nhà đầu tư “cá mập” sau các thương vụ đầu tư chắc chắn sẽ cho họ câu trả lời đích đáng.

Tiêu đề bài viết phỏng theo tên cuốn sách “Beauty Pays: Why Attractive People are More Successful” của Daniel Hamermesh, xuất bản 2011 bởi Princeton University Press.

Nguồn tham khảo:

The Economist. 2021. The line of beauty.

Kurtzleben, D., 2021. 7 ways your looks affect your economic well-being. Vox

Adams, S., 2021. Does Beauty Really Pay?. Forbes.

Hale, G, Regev, T and Rubinstein, Y. 2021. ‘Do Looks Matter for an Academic Career in Economics?’. London, Centre for Economic Policy Research.

Comments