Có chăng làn sóng tự tử theo người nổi tiếng?
Từ cuối thế kỉ trước, các nhà kinh tế bắt đầu tìm những lời giải thích duy lý cho hành động tự kết thúc cuộc đời thay vì thừa nhận nó là một biểu hiện bệnh lý như lý giải của các nhà tâm thần học. Những mô hình ban đầu giải thích đơn giản rằng mỗi người luôn tự tối ưu hóa hàm lợi ích cá nhân và nếu một lúc nào đó họ nhận ra giá trị cuộc đời hiện tại là một con số âm, họ quyết định chấm dứt nó. Hàm ý chính sách hết sức rõ ràng: nâng cao thu nhập có thể giúp giảm tỉ lệ tự sát trong xã hội. Nhưng rồi người ta chứng kiến một nghịch lý ở Mĩ, khi thu nhập tăng cao, tỉ lệ tự sát giảm ở các nhóm tuổi khác nhưng lại tăng nhanh ở tuổi dậy thì. Các nhà kinh tế giải thích nghịch lý này bằng cách mô hình hóa quan hệ đánh đổi: khi bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho công việc, họ kiếm được nhiều tiền hơn để nâng cao đời sống cho cả gia đình. Nhưng bù lại họ có ít thời gian hơn dành cho con cái và điều này ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tinh thần của trẻ. Riêng với trẻ dậy thì, gia tăng thu nhập không bù đắp nổi thiếu hụt tinh thần và kết quả là tỉ lệ tự sát ở độ tuổi này tăng bất chấp điều kiện kinh tế được cải thiện.
Một cách khác để lý giải hiện tượng một số nhóm người có tỷ lệ tự sát cao hơn các nhóm người khác bằng cách đưa vào mô hình “thiên lệch dự phóng”. Theo đó, có những cú sốc ngẫu nhiên bên ngoài có khả năng tác động lên tâm lý đối tượng, khiến họ bỗng chốc đánh giá quá thấp giá trị cuộc sống trong tương lai và chọn cách tự kết liễu. Đáng tiếc là lựa chọn nhất thời này không thể đảo ngược hoặc làm lại. Với một số nhóm người, ví dụ người trẻ, hệ số “độ nhạy cảm” cao hơn và họ dễ thành nạn nhân của những vụ tự tử bộc phát.
Các nhà kinh tế Hàn Quốc cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy việc người nổi tiếng tự tử được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng có khả năng tạo ra một cú sốc tâm lý và dẫn đến một làn sóng tự tử trong công chúng. Các tác giả nghiên cứu lý do tử vong của người Hàn Quốc trong giai đoạn 2000-2010 và liên hệ nó với 11 vụ tử tự của người nổi tiếng được truyền thông đưa tin rộng rãi trong giai đoạn này. Đây là thời kì mà nạn tự tử ở trong công chúng và người nổi tiếng trở thành một vấn đề bức bối trong xã hội Hàn Quốc.
Các nhà nghiên cứu tạo lập các “phản thực” bằng cách loại bỏ các hiệu ứng ngày trong tuần, mùa vụ theo tháng và cú sốc năm trong chuỗi số liệu tỉ lệ tử vong của người Hàn Quốc. Mô hình hổi quy sau đó cho thấy trong vòng 2 tuần ngay sau khi báo đài loan tin người nổi tiếng tự kết liễu, số vụ tự tử trong công chúng tăng trung bình 10 vụ mỗi ngày. Phân tích sâu hơn cho thấy kết quả này không phải do hiệu ứng thay thế theo thời gian: tỉ lệ tự tử trong công chúng không hề giảm sau đó và việc người nổi tiếng tự tử thực sự gây thêm sức ép với vấn nạn của Hàn Quốc. Điển hình nhất là ca tự tử của nữ diễn viên Jin-sil Choi năm 2008. Theo ước tính của các tác giả, vụ việc này làm tăng 949 ca tự tử trong công chúng trong 7 tuần lễ sau đó.
Để củng cố thêm lập luận nguyên nhân – kết quả của mình, các tác giả kiểm tra và không phát hiện cú sốc giá chứng khoán nào ngay trước các vụ tự tử của 11 người nổi tiếng này. Hơn nữa người nổi tiếng tự tử thu hút hành vi tương tự của người không nổi tiếng có các đặc điểm kinh tế, xã hội tương tự người nổi tiếng. Ví dụ ngay sau cái chết của Jin-sil Choi, các vụ tự tử phần nhiều liên quan đến người trẻ, sống ở đô thị. Người nổi tiếng là nam giới thu hút hành động tự tử của nam giới. Tất nhiên kết quả của nghiên cứu này tại Hàn Quốc không nhất thiết áp dụng được cho các hoàn cảnh khác. Nó phản ánh tính đặc thù của xã hội Hàn Quốc những năm 2000-2010: có rất nhiều người chênh vênh giữa lựa chọn sống hoặc chết, và một cú huých nhẹ từ những người nổi tiếng tiếp sức cho những ý định do “thiên lệch dự phóng” không thể đảo ngược. Hơn nữa, nghiên cứu này mới chỉ phân tích những ca tự tử thực tế của những người nổi tiếng và có lẽ tác động của những ca tự tử “giả thực” vẫn còn là một mảng trống trong nghiên cứu.
*Bài viết dựa trên các nghiên cứu
Hong, S.C. and Lee, J., 2015. People on the verge of death: evidence from impacts of celebrity suicides. Applied Economics, 47(7), pp.710-724.
Mathur, V.K. and Freeman, D.G., 2002. A theoretical model of adolescent suicide and some evidence from US data. Health Economics, 11(8), pp.695-708.
Comments