Phép thử Turing gây hại cho doanh nghiệp
Tác giả: Daron Acemoglu (MIT), Michael I. Jordan (UC Berkeley), E. Glen Weyl (OCTOPEST)
Công nghệ nên tập trung vào cuộc chơi bổ khuyết thay vì cuộc chơi bắt chước.
Nỗi sợ trí tuệ nhân tạo (AI) tràn ngập mặt báo: mất việc, bất bình đẳng, phân biệt đối xử, thông tin sai lệch hoặc thậm chí siêu trí tuệ thống trị thế giới. Nhóm mà mọi người đều tưởng sẽ được hưởng lợi là doanh nghiệp nhưng dữ liệu lại không đồng tình. Giữa cơn lên đồng, doanh nghiệp Mĩ giảm tốc ứng dụng các công nghệ AI tiên tiến nhất và có rất ít bằng chứng cho thấy các công nghệ này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng trưởng năng suất hoặc tạo thêm việc làm. Kết quả đáng thất vọng này không phải hoàn toàn do công nghệ AI chưa đủ chín muồi. Nó đồng thời xuất phát từ sự lệch pha cơ bản giữa nhu cầu kinh doanh và nhận thức hiện tại về AI của nhiều người trong lĩnh vực công nghệ. Sự lệch pha này khởi nguồn từ chính bài báo khoa học đột phá “cuộc chơi bắt chước” 1950 của Alan Turing và phép thử mà ông đề xướng (được mang tên ông sau này).
Phép thử Turing định nghĩa trí tuệ máy móc bằng cách giả tưởng một chương trình máy tính có thể bắt chước rất giống người thực trong một cuộc hội thoại mở đến nỗi không thể nhận ra đâu là máy đâu là người.
Nhìn vào mặt tích cực nhất, đây là một trong nhiều cách cắt nghĩa trí tuệ máy móc. Bản thân Turing và các nhà tiên phong công nghệ như Douglas Engelbart và Norbert Wiener hiểu rằng máy tính hữu ích nhất cho doanh nghiệp và xã hội khi chúng bổ sung hoặc bổ khuyết cho năng lực của con người, chứ không phải khi chúng cạnh tranh với con người. Công cụ tìm kiếm, bảng tính điện tử, và cơ sở dữ liệu là những ví dụ điển hình cho các dạng thức bổ khuyết của công nghệ thông tin. Ảnh hưởng của chúng đối với kinh doanh vô cùng to lớn, nhưng chúng không hề được gắn mác “trí tuệ nhân tạo” và gần đây các câu chuyện thành công sử dụng các công cụ này bị nhấn chìm bởi nỗi khát khao một cái gì đó “trí tuệ” hơn. Tuy nhiên, việc thiếu một định nghĩa rõ ràng và sự thiếu vắng những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển các tầm nhìn thay thế đã khiến cho nỗi khát khao này dần mang nghĩakhả năng trí tuệ máy móc có thể vượt qua năng lực con người trong các tác vụ như thị giác và ngôn luận, và trong một số trò chơi trong nhà như cờ vua và cờ vây. Cách nghĩ này thống trị trong cả các cuộc thảo luận công lẫn các khoản đầu tư xung quanh AI.
Các nhà kinh tế và khoa học xã hội nhấn mạnh rằng trí tuệ không chỉ diễn ra, thậm chí không chủ yếu diễn ra, ở bên trong con người cá nhân, mà ở bên ngoài cộng đồng như doanh nghiệp, thị trường, hệ thống giáo dục và văn hóa. Công nghệ có thể đóng hai vai trò chủ yếu trong việc hỗ trợ các dạng thức trí tuệ cộng đồng. Một là, công nghệ có thể nâng cao năng lực con người cá nhân khi tham gia vào cộng động, bằng cách cung cấp cho họ thông tin, nhận thức và các công cụ tương tác. Điều này được nhấn mạnh trong các nghiên cứu tiên phong của Douglas Engelbart những năm 1960 và sự trỗi dậy sau này của ngành tương tác máy tính-con người. Hai là, công nghệ có thể tạo ra một loại hình cộng đồng mới. Khả năng thứ hai này đưa ra một tiềm năng đột phá. Nó cho ta một cách nghĩ khác về AI, với những hàm ý quan trọng cho năng suất kinh tế và phúc lợi con người.
Hoạt động kinh doanh thành công trên quy mô lớn nếu nó thành công trong việc phân công lao động nội bộ và kết hợp các kĩ năng đơn lẻ khác biệt trong các nhóm làm việc cùng nhau, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Thị trường thành công khi nó kết nối những người tham gia khác biệt, thúc đẩy chuyên môn hóa để nâng cao năng suất lao động tổng thể và phúc lợi xã hội. Đây chính là điều mà Adam Smith đã nhận thức được vào hơn hai thế kỉ rưỡi trước. Đưa thông điệp của ông vào cuộc tranh luận đương thời, công nghệ cần phải thập trung vào cuộc chơi bổ khuyết thay vì cuộc chơi bắt chước. Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ về việc máy móc nâng cao năng suất bằng việc thực thi các tác vụ bổ khuyết cho hoạt động của con người. Ví dụ khả năng tính toán trên quy mô lớn kiến tạo chức năng của mọi thứ từ thị trường tài chính hiện đại, đến logistics, sự truyền dẫn hình ảnh với độ phân giải cao trên một khoảng cách xa trong nháy mắt và việc tìm kiếm giữa bể thông tin để truy xuất nội dung phù hợp.
Điều mới mẻ với thời đại ngày nay là máy tính có thể làm nhiều hơn việc đơn thuần thực thi các dòng lệnh viết bởi một lập trình viên bằng da bằng thịt. Máy tính có thể học từ dữ liệu và có thể giao tiếp, suy luận và can thiệp vào các vấn đề của cuộc sống thực bên cạnh con người. Thay vì việc xem những đột phá này như một cơ hội để biến máy móc thành phiên bản si-li-côn của con người, chúng ta cần tập trung vào việc, làm thế nào để máy tính có thể sử dụng dữ liệu và học máy để tạo ra các loại hình thị trường mới, các dịch vụ mới và các phương thức mới kết nối người với người một cách kinh tế.
Một ví dụ từ rất sớm cho học máy theo nhận thức kinh tế là hệ thống đề cử, một dạng phân tích dữ liệu sáng tạo nổi lên từ những năm 1990 ở các công ty phục vụ người tiêu dùng như Amazon (“Có thể bạn cũng thích”) hoặc Netflix (“Lựa chọn hàng đầu cho bạn”). Hệ thống đề cử từ khi trở nên phổ biến đã có tác động đáng kể lên năng suất. Chúng tạo ra giá trị bằng cách tận dụng trí tuệ đám đông để kết nối cá nhân với sản phẩm.
Các ví dụ gần đây của mô hình mới này bao gồm việc sử dụng học máy để xây dựng các mối liên hệ trực tiếp giữa nhạc sĩ và thính giả, nhà văn và độc giả, nhà sáng tạo trò chơi và người chơi. Những nhà tiên phong trong lĩnh vực này bao gồm Airbnb, Uber, YouTube, Shopify và cụm từ “nền kinh tế sáng tạo” được dùng để thâu gộp xu hướng này. Điểm mấu chốt của các cộng đồng này là thực ra chính chúng là các thị trường – giá trị kinh tế gắn liền với mối liên hệ giữa những người tham gia. Cần có thêm nhiều nghiên cứu về việc kết hợp học máy, kinh tế và xã hội học để các thị trường này vận hành lành mạnh và tạo ra thu nhập bền vững cho người tham gia.
Các thiết chế dân chủ cũng có thể được hỗ trợ và tăng cường bằng cách vận dụng sáng tạo học máy. Bộ kĩ thuật số Đài Loan đã và đang vận dụng phân tích thống kê và tham gia trực tuyến để mở rộng các loại hình đối thoại trao đổi đã được chứng minh hỗ trợ quá trình ra quyết định tập thể hiệu quả tại các công ty được quản trị tốt nhất.
Đầu tư vào công nghệ hỗ trợ và bổ sung trí tuệ tập thể mang lại cho các doanh nghiệp một cơ hội để làm việc tốt: con đường thay thế này làm giảm vai trò hoặc loại bỏ các hiệu ứng tiêu cực của AI – như việc lấy mất việc làm của con người, tạo ra bất bình đẳng, hay việc các công ty dịch vụ có mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo thu thập và xử lý dữ liệu quá mức. Đặc biệt, các thị trường hai chiều trong một nền kinh tế sáng tạo tạo ra các giao dịch tiền tệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dung và doanh thu hệ thống có thể tính theo phần trăm giao dịch. Không cần nghi ngờ, thất bại thị trường có thể xảy ra. Nhưng nếu công nghệ có thể tạo ra các hình thức quản trị dân chủ tiên tiến, các định chế này sẽ có đủ năng lực để khống chế thất bại thị trường như trường hợp của Đài Loan, nơi mà các hình thức đi chung xe được kết hợp với các biện pháp bảo vệ người lao động dựa trên nền tảng thảo luận trực tuyến.
Việc tạo ra các hệ thống kiến tạo thị trường (và hỗ trợ dân chủ) đòi hỏi chỉ số đánh giá thuật toán phải được xây dựng dựa trên hiệu năng của cả hệ thống thay vì hiệu năng của một thuật toán đơn lẻ như phép thử Turing. Đây là một lĩnh vực quan trọng có thể mang các nhà khoa học kinh tế và khoa học xã hội đến trực tiếp tới quá trình thiết kế công nghệ.
Để hỗ trợ cuộc thảo luận này, chúng tôi đang cùng với đồng nghiệp đa ngành công bố một bản báo cáo dài liệt kê các thất bại và cách vượt ra khỏi chúng.
Một sự thay đổi như vậy không hề dễ dàng. Có rất nhiều rắc rối phát sinh từ chính các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nhân đã yên vị trên chuyến tàu cùng mô hình đang thịnh hành. Họ sẽ không dễ bị thuyết phục. Nhưng có lẽ điều đó không quá quan trọng. Doanh nghiệp tìm ra cách hiệu quả để sử dụng trí tuệ máy móc sẽ đóng vai trò tiên phong và rồi các công ty và nhà nghiên cứu sẽ noi gương bỏ lại mô hình AI ngày càng ít hữu dụng.
Bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi này là nhắc lại những đóng góp trí tuệ to lớn của Alan Turing vĩ đại và sau đó để phép thử của ông được nghỉ ngơi. Bổ sung trí tuệ tập thể cho doanh nghiệp và thị trường là mục tiêu vĩ đại hơn nhiều so với các trò chơi diễn ra trong nhà.
(Theo Wired)
*Đường dẫn đến bài viết gốc tiếng Anh được trích tại đây
Comments