Câu chuyện thành công

5 minute read

Tác giả: George Lifchits, Ashton Anderson, Daniel G. Goldstein, Jake M. Hofman và Duncan J. Watts

Bạn có muốn thành công trong năm mới? Bạn có sẵn sàng thay đổi bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn? Bạn có mở lòng học theo những câu chuyện thành công?

Peters và Waterman trong cuốn sách “Kiếm tìm sự hoàn hảo” kể cho bạn nghe 8 điểm chung của 15 doanh nghiệp thành công nhất nước Mĩ. “Từ tốt đến vĩ đại” của Collins thuật lại 7 đặc điểm của 11 công ty “vĩ đại”. TechCrunch (2013) tổng kết đặc điểm chung của 39 công ty khởi nghiệp tỉ đô (kỳ lân). Tạp chí New Yorks Times (2018) liệt kê thói quen buổi sáng của 300 người thành công. Liệu chúng ta có thực sự “học” được từ những câu chuyện thành công được sàng lọc kĩ lưỡng? Từ góc độ thống kê, khi đọc những câu chuyện này, chúng ta cần lưu ý 2 nguồn “thiên lệch chọn”. Thứ nhất, những câu chuyện tập trung kể về thành công thường bỏ lỡ mặt thất bại. Những đặc điểm chung của những người thành công cũng có thể phổ biến trong số những người thất bại. Vì thế ta khó có thể quy nạp một đặc điểm nào đó (ví dụ thức dậy 5 giờ sáng) từ một mẫu nhỏ cho công thức thành công chung của mọi người.

Việc lựa chọn đặc điểm dẫn đến thành công cũng là một điểm đáng lưu ý. Mỗi cá nhân hay công ty sở hữu rất nhiều đặc điểm khác nhau và một câu chuyện giàu cảm xúc thường tập trung vào một hoặc vài đặc điểm. Với mỗi nhóm nhỏ những người thành công, ta dễ dàng tìm một vài đặc điểm giống nhau giữa họ. Hoặc với mỗi đặc điểm chọn sẵn, ta có thể tìm ra một mẫu nhỏ thành công để minh họa cho nó. Điều này nghĩa là đặc điểm phổ biến trong một nhóm người thành công được chọn lọc thậm chí chưa chắc đã là mẫu số chung giữa những người thành công.

Hình vẽ dưới đây mô tả hai nguồn “thiên lệch chọn” này. Hãy tưởng tượng một thế giới chỉ có 2 nhóm người thành công (S) và thất bại (F). Một số người trong đó có cùng một tính cách cụ thể, ví dụ, được “khoanh vuông” và những người còn lại thì không.

image-center

Nếu chỉ chăm chăm nhìn một nhóm nhỏ người thành công chọn lọc trong hình này (góc nhỏ nhất), dường như thành công có liên hệ với đặc tính được “khoanh vuông” vì trong 5 người thành công có tới 4 người được khoanh vuông. Nếu mở rộng tầm nhìn vào mẫu gồm toàn người thành công (góc ở giữa), chúng ta có thể thay đổi kết luận vì trong số 17 người thành công, chỉ có 6 người được khoanh vuông. Nếu mở rộng toàn cảnh, ta lại thấy đặc tính khoanh vuông thực ra gắn bó với những người thất bại hơn là những người thành công.

Mặc dù các câu chuyện chọn lọc chưa chắc thực sự giúp giải mã bí quyết thành công, chúng lại có tác động rất lớn đến nhận thức của độc giả về cuộc sống và chi phối việc ra quyết định. Một nhóm các nhà khoa học ở Mĩ và Canada gần đây đã tiến hành một thử nghiệm trong đó những người tham gia được yêu cầu dự đoán một công ty startup có trở thành kỳ lân trị giá tỉ đô hay không và được trả tiền nếu phán đoán đúng.

Trước đó, những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được “xem dữ liệu” về 5 công ty kỳ lân có người sáng lập tốt nghiệp đại học (Brian Acton, Biz Stone, Martin Lorentzon, Eduaro Saverin, Garrett Camp). Nhóm thứ hai được “xem dữ liệu” 5 công ty kỳ lân có người sáng lập bỏ học giữa chừng (Travis Kalanick, Jan Koum, Jack Dosey, Mark Zuckerberg, Deniel Ek). Hai nhóm này thực ra đều được xem dữ liệu về 5 công ty giống nhau (Uber, WhatsApp, Twitter, Facebook và Spotify). Nhóm cuối cùng không được xem dữ liệu giống hai nhóm trước (nhóm đối chứng).

Kết quả là 87% người tham gia trong nhóm thứ nhất đặt cược cho startup có người sáng lập tốt nghiệp đại học. Ngược lại, con số này ở nhóm thứ hai chỉ là 32%, thấp hơn tận 55%. Nghĩa là câu chuyện thành công mọi người được nghe có tác động rất lớn đến niềm tin và quyết định của những người tham gia. Cả hai nhóm đều khác biệt đáng kể so với nhóm đối chứng không “được xem dữ liệu”. Nhóm này đặt cược 47% cho startup có người sáng lập tốt nghiệp đại học. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã giả lập bộ dữ liệu dự đoán sao cho tỉ lệ kỳ lân giữa hai nhóm có người sáng lập tốt nghiệp và bỏ học đại học xấp xỉ nhau.

Người tham gia ở tất cả các nhóm đều rất tự tin vào phán đoán của mình (dù trái ngược nhau). Ở các nhóm được “xem dữ liệu”, người tham gia thậm chí còn tự đưa ra các lời giải thích “nhân quả” phù hợp với dữ liệu họ được xem: ví dụ những người tốt nghiệp đại học kiên trì (nhóm 1) và những người bỏ học sáng tạo (nhóm 2). Đáng lưu ý là họ đều nhận thức được dữ liệu họ được xem lúc đầu thiên lệch một màu (chỉ toàn nhà sáng lập tốt nghiệp hoặc bỏ học).

Nghiên cứu này cho thấy thông tin đúng đắn nhưng thiên lệch có tác động rất lớn đến niềm tin của độc giả.

Bài viết phỏng theo nghiên cứu “Success stories cause false beliefs about success” của tác giả George Lifchits, Ashton Anderson, Daniel G. Goldstein, Jake M. Hofman và Duncan J. Watts đăng trên tạp chí “Judgment and Decision Making” (2021)

\

Comments