Can thiệp Quân sự bằng Hỏa lực Áp đảo và Thử nghiệm Tự nhiên

7 minute read

Tác giả: Melissa Dell và Pablo Querubin

Can thiệp quân sự vào các quốc gia có nền thể chế non trẻ hoặc yếu kém là nét đặc trưng của Chiến tranh Lạnh và đáng tiếc là chúng vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Hành động này không những làm tiêu tốn đáng kể nguồn lực mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh khu vực đối với tất cả các quốc gia có liên quan.

Về cơ bản, có 2 chiến lược can thiệp quân sự chính thường được đặt ra nhằm đè bẹp lực lượng quốc gia phản kháng và thiết lập nhà nước chuyên chế. Chiến lược thứ nhất tập trung vào việc tăng cường hỏa lực áp đảo. Chiến lược thứ hai nhắm tới việc chinh phục nhân tâm thông qua viện trợ phát triển. Các chiến lược gia ủng hộ giải pháp hỏa lực tin rằng bom đạn có thể làm tiêu hao lực lượng phản kháng, ngăn chặn hoạt động, và làm nhụt ý chí của họ. Nói như tướng Depuy: “Giải pháp ở Việt Nam là thêm bom, thêm đạn pháo, thêm napan… cho đến khi phía bên kia sụp đổ và đầu hàng” [1]. Những người phản đối cho rằng bom đạn sẽ phản tác dụng nếu dân thường bị tấn công. Chính hành động đó sẽ tạo ra sự phẫn nộ khiến người dân tham gia lực lượng phản kháng và có thêm lý do để chống đối nhà nước mà họ không ủng hộ.

Từ góc nhìn của các quốc gia hứng chịu bom đạn, “ở đâu có áp bức, ở đó có chiến tranh” có vẻ là một chân lý hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng từ góc nhìn của những nước mang quân đi can thiệp nơi khác, chứng minh giải pháp bom đạn phản tác dụng không phải điều dễ dàng.

Trên phương diện khoa học, rất khó để xác nhận mối tương quan nhân quả ở đây nếu chỉ dựa vào dữ liệu quan sát được từ chiến tranh quá khứ. Có thể bom đạn thôi thúc người dân phản kháng. Nhưng cũng có thể chính những nơi cưu mang lực lượng phản kháng bị lựa chọn làm đích đến cho bom đạn. Tiêu chuẩn “vàng” thử nghiệm ngẫu nhiên không thể áp dụng vì tính phi đạo đức và bất khả thi. Hơn nữa nó không mấy hữu ích vì trên thực tế, nguồn lực quân sự thường được phân bổ theo tính hiệu quả và do đó bom đạn chẳng mấy khi rơi ngẫu nhiên.

GS Havard Melissa Dell, 1 trong 8 nhà kinh tế học trẻ xuất sắc nhất thế giới, và Pablo Querubin đã lật lại sử liệu chiến tranh Việt Nam và chứng minh sai lầm của lực lượng tham chiến Mĩ bằng cách thiết kế hai “thử nghiệm tự nhiên” trong một bài báo đăng trên QJE năm 2018. (Xem thêm bài viết Kinh tế học vô hại về giải Nobel Kinh tế 2021). Cần nhắc lại rằng chiến tranh Việt Nam là can thiệp quân sự khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Lượng bom đạn đã rải tương đương 640 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và lượng bom đạn trên đầu mỗi quân nhân nhiều gấp 26 lần Thế Chiến II [2].

Thử nghiệm tự nhiên thứ nhất dựa trên thuật toán đánh bom của Mac Namara. Tướng Mĩ này chủ trương sử dụng dữ liệu và lý thuyết kinh tế học, vận trù học, lý thuyết trò chơi và khoa học tính toán trong quân sự. Từ năm 1967, người Mĩ và chính quyền Sài Gòn thu thập dữ liệu gồm 169 câu hỏi về tình hình an ninh, kinh tế, chính trị. Từ đó, hệ thống máy tính IBM, kết hợp với thuật toán Bayesian ước lượng mức độ nguy hiểm đe dọa chính quyền Sài Gòn và cho điểm các thôn ấp theo thang 5 bậc từ A đến E làm căn cứ quyết định cường độ không kích.

image-center

Dell và Querubin đã tận dụng thang điểm này để tiến hành thử nghiệm tự nhiên bằng cách so sánh các ấp ngay trên và ngay dưới ngưỡng quyết định không kích. Ví dụ, hai ấp có mức độ đe dọa đối với chính quyền Sài Gòn xấp xỉ nhau: một ấp có tổng điểm 1.5 và ấp còn lại là 1.49. Tuy nhiên, ấp đầu tiên sẽ được xếp hạng D trong khi ấp thứ hai bị xếp hạng E vì vậy ấp thứ hai sẽ bị thả bom với cường độ mạnh hơn mặc dù chúng có các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội khá tương đồng.

Kết quả phân tích hồi quy gián đoạn cho thấy, các chiến dịch không kích tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng phản kháng. So với kịch bản không bị thả bom, một ấp bị không kích ở mức độ trung bình có khả năng xuất hiện lực lượng du kích phản kháng cao hơn 27%, khả năng xuất hiện chi bộ Đảng cao hơn 25% và khả năng lực lượng phản kháng tấn công chính quyền thân Mĩ cao hơn 9%.

Mục đích sau cùng của việc can thiệp quân sự ở nước ngoài nhằm hướng tới việc xây dựng một chính quyền mới có thể đứng vững sau khi rút quân. Tuy nhiên chính sách không kích của người Mĩ cũng phản tác dụng trên phương diện này. So với kịch bản không bị thả bom, một ấp bị không kích ở mức độ trung bình có khả năng thu thuế thấp hơn 25%, khả năng trẻ đến trường thấp hơn 16% và khả năng người dân tham gia vào xã hội dân sự thấp hơn 13%. Đi cùng với đó là sự suy giảm tính chính danh của chính quyền thân Mĩ.

Thử nghiệm tự nhiên thứ 2 so sánh sách lược bạo lực quân sự với sách lược quân sự mềm dẻo hơn bằng cách tận dụng chia cách địa lý giữa Quân khu 1 điều hành bởi Hải Quân Mĩ và Quân khu 2 điều hành bởi Lục Quân Mĩ. Hải Quân Mĩ chủ trương cài lính vào thôn ấp nhưng tối thiểu hóa các hoạt động quân sự và tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nhằm chinh phục nhân tâm. Trong khi đó Lục Quân Mĩ đẩy mạnh các chiến dịch “truy bắt-tìm diệt”. Các tác giả so sánh phản ứng của thôn ấp ngay sát ranh giới hai quân khu với lập luận rằng các thôn ấp này khá tương đồng nhau và chỉ khác biệt do chính sách can thiệp quân sự của hai đội quân. Kết quả cho thấy các thôn ấp bên phía Hải Quân Mĩ ít phản kháng hơn và có cái nhìn thiện cảm hơn về Mĩ và chính quyền miền Nam.

Liệu bài học cũ từ chiến tranh Việt Nam có còn giá trị? Cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, mức độ chính xác của các vũ khí tân tiến đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên các lực lượng phản kháng quốc gia vẫn luôn hòa lẫn với dân thường. Gần đây [2018], vẫn có nhiều cáo buộc về việc chiến dịch đánh bom của Nga và chính quyền Syria sát hại dân thường. Nhiều chính trị gia trên thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ các chiến dịch can thiệp quân sự bằng vũ lực áp đảo ở nước ngoài. Phản ứng gay gắt không công khai của McNamara có lẽ vẫn có ích: “Chiến dịch ném bom này không đáng, nó chẳng làm nên trò chống gì, họ đã bị dội bom nhiều hơn toàn bộ châu Âu trong suốt Thế chiến II và nó đã chẳng làm nên trò chống gì” [3].

*Bài viết dựa theo nghiên cứu Dell, Melissa, and Pablo Querubin. “Nation Building Through Foreign Intervention: Evidence from Discontinuities in Military Strategies.” Quarterly Journal of Economics 133, no. 2 (2018): 701-764.

[1] Trích trong Daniel Ellsberg, Tư liệu về cuộc chiến tranh, New York, năm 1972, tr.234.

[2] Turse, Nick, Kill Anything that Moves: The Real American War in Vietnam (New York: Macmillan, 2013)

[3] Milne, David, America’s Rasputin: Walt Rostow and the Vietnam War (New York : Macmillan, 2008).

Comments